Trong cuốn “Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (QĐND) xuất bản năm 1996, tr.913) viết: “Vì nhân dân quên mình”, hành khúc của Doãn Quang Khải, học viên khóa 6 Trường Lục quân Việt Nam, sáng tác tháng 5-1951, nói lên nguồn gốc “từ nhân dân mà ra”, mục đích “vì nhân dân mà chiến đấu” của QĐND Việt Nam.

Đang xem: Anh em ơi vì nhân dân quên mình

Ca ngợi quan hệ gắn bó giữa quân đội với nhân dân, sự tin yêu của nhân dân với quân đội. Được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam (1952-1953). Một trong những bài hát truyền thống của QĐND Việt Nam, được sử dụng làm nhạc hiệu của Chương trình phát thanh QĐND và Chương trình truyền hình QĐND”.

Đọc lại mấy dòng ngắn như vậy, trong tôi đã thấy trào dâng nỗi nhớ một thời trai trẻ; và bên tôi như rộn vang lên khúc hát mà người lính nào cũng thuộc: Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình/ Đoàn Vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra, được dân mến được dân tin muôn phần/ Thề vì dân suốt đời, thề tranh đấu không ngừng, vì đất nước thân yêu mà hy sinh…

*
*
*
*
Nhạc sĩ Doãn Quang Khải. Ảnh tư liệu

Ai đã một lần tham gia quân đội đều thuộc “Vì nhân dân quên mình” vì nó là bài hát gần như chính thức của bộ đội trong buổi lễ tuyên thệ, trong các cuộc sinh hoạt, liên hoan, là một trong 15 bài hát được Tổng cục Chính trị quy định trong QĐND Việt Nam.

Tôi nhớ mãi một lần, vào khoảng năm 1993, tôi và mấy anh em cựu chiến binh cùng đơn vị một thời về thăm anh Nguyễn Duy Tịnh, nguyên là Trưởng ban Tuyên huấn sư đoàn chúng tôi ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Anh cho biết xã Ngọc Mỹ của anh là quê hương của nhiều nhân vật tài năng, trong đó có 3 nhạc sĩ nổi tiếng là Doãn Quang Khải, Nguyễn Mạnh Thường và Đỗ Dũng. Biết vậy, sau khi đã vãn câu chuyện hàn huyên, tôi đề nghị anh Tịnh tranh thủ đưa chúng tôi sang làng Phú Mỹ gặp tác giả bài hát “Vì nhân dân quên mình”.

Xem thêm: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc Hơn Nếu Hai Vợ Chồng Giống Nhau?

Bấy giờ, Doãn Quang Khải là một cụ già tuổi đã “cổ lai hy”-70 tuổi. Ông đang “vui thú điền viên”, quây quần cùng con cháu, sống giữa bà con lối xóm. Làng ông-một làng cổ nằm gần kề núi Sài Sơn, chùa Thầy-danh thắng, di tích lịch sử nổi tiếng cách Thủ đô Hà Nội chừng 30km về phía tây. Nhạc sĩ, CCB Doãn Quang Khải đang chuẩn bị cho một chuyến đi về Thủ đô dự Đại hội Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ông rất bận nên chúng tôi không hỏi chuyện được nhiều. Thấy trên bàn ông bày la liệt những cuốn sách chữ Hán, dày-mỏng khác nhau, tôi tò mò hỏi thì được ông trả lời: Đó là những cuốn gia phả, ngọc phả chữ Hán mà ông đang dịch giúp bà con. Ông nói vui rằng, âu đó cũng là một cách “vì nhân dân”. Công việc ấy vừa làm khuây khỏa cảnh già, vừa có thêm chút thù lao. Ông về hưu ở chốn quê nhà được quãng hơn mười năm, sức khỏe không còn được tốt lắm, nhưng câu chuyện của ông vẫn toát lên một tinh thần đồng đội, một nhiệt huyết và tình yêu với quân đội, với đất nước. Ông vẫn như anh Vệ quốc quân năm nào, vẫn là anh Bộ đội Cụ Hồ trong mắt chúng tôi. Năm ấy ông là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ngọc Mỹ. Sau đó, tôi đã nhận được thư ông gửi từ quê hương “những chiếc gậy Trường Sơn”. Đọc thư ông mà trong tôi cứ vang lên, vang lên điệp khúc “Vì nhân dân quên mình”, điệp khúc ấy đã đưa tôi về những tháng năm trai trẻ, những tháng năm của cuộc đời bộ đội chưa xa…

Lời hát “Vì nhân dân quên mình” đi liền với hình ảnh lá cờ Quyết chiến, quyết thắng, đi liền với ngôi sao, bông lúa, khẩu súng-biểu trưng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Ấy là lời ca, giai điệu tha thiết và trầm hùng, giản dị và trong sáng, gần gụi và thiêng liêng, sâu lắng mà lan tỏa. Ấy là bài ca của lòng tự hào, tin tưởng và đầy sức vẫy gọi. Lời hát ấy, giai điệu ấy đã đi vào lịch sử trưởng thành, chiến đấu của các LLVT, đi vào lịch sử cuộc chiến tranh cách mạng gian khổ, dài lâu và rất đỗi hào hùng của dân tộc ta.

Nhạc sĩ Doãn Quang Khải kể về cuộc đời binh nghiệp của ông và đồng đội thì nhiều, nhưng kể về chuyện sáng tác thì ít. Ông kể:

“Tôi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp trải qua các chiến trường: Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Việt Bắc, Bình Trị Thiên; còn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là chiến trường Tây Nguyên, Bình Trị Thiên. Năm 1950, tôi được cử đi học lớp bổ túc đại đội (sau trường này được mang tên Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn). Một hôm, đọc báo QĐND, tôi nảy ra một ý tưởng và thấy rất thú vị. Trên tờ báo, nơi góc bên phải măng-sét có khẩu hiệu “Vì nhân dân phục vụ”! Tôi thấy khẩu hiệu thật ấn tượng, thật hay, thử đọc lên đã như câu hát… Tôi cứ nhẩm, thử thay đổi vài chữ theo giai điệu. Và rồi hai chữ “quên mình” được nảy ra. Hay quá, đúng quá: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”…

Đến năm 1952, bài hát được đưa về Cục Quân huấn, rồi được gửi tham dự cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật toàn quốc. Ở cuộc thi này, phần âm nhạc có 3 bài hát giành giải cao (không có giải nhất) là các bài: “Thời cơ đến” của Tiểu đội trưởng Phạm Lợi (Đại đoàn Quân Tiên Phong-Sư đoàn 308) và bài “Vì nhân dân quên mình” của tôi nhận giải nhì; bài “Bộ đội về làng” của Lê Yên nhận giải ba. Tôi rất biết ơn các nhạc sĩ Minh Phong, Huy Du, Nguyễn Xuân Khoát đã nhiệt tình góp ý sửa chữa và tạo điều kiện thuận lợi để “Vì nhân dân quên mình” hoàn thiện, đến nhanh với bộ đội và nhân dân. Đó là phần thưởng lớn nhất của đời tôi, một chiến sĩ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Tôi thấy mình may mắn, có được một sản phẩm tinh thần, một “tài sản cuộc đời”…

Xem thêm:

Thề noi gương Bác Hồ

Vì nhân dân gian lao

Trong bao năm Người tranh đấu không ngừng

Người chỉ biết có dân, ngày ngày lo sao cho

Toàn dân ấm, toàn dân no, được học hành

Người chỉ vui khi nào

Toàn dân hết đau thương

Người tranh đấu đem tương lai về cho dân

Đoàn Vệ quốc chúng ta là con yêu của Người

Thề noi gương suốt đời vì nhân dân.

Câu hát ấy, câu hát của Bộ đội Cụ Hồ đã vang lên trên khắp mọi miền của đất nước, trong tất cả những chặng đường lớn lên, trưởng thành của quân đội, của các thế hệ chiến sĩ. Mấy mươi năm đã qua đi, sức sống của bài ca vẫn tươi nguyên, diệu kỳ. Người làm ra bài hát thì đã đi xa (nhạc sĩ Doãn Quang Khải mất năm 2007, thọ 82 tuổi), nhưng bài hát thì vẫn mãi trẻ, vẫn đầy sức vẫy gọi các chiến sĩ ta “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *